Hướng dẫn cách kéo dài tuổi thọ đầu in của máy in mã vạch
Hướng dẫn cách bảo trì bảo dưỡng đầu in (printhead) và sử dụng máy in mã vạch đúng cách để phát huy tối đa thời gian sử dụng máy
Đầu in nhiệt là cơ phận quan trọng nhất trong chiếc máy in mã vạch của bạn và cũng là bộ phận nhạy cảm nhất vì trong đầu in có rất nhiều điểm phát nhiệt nhỏ li ti. Máy in có độ phân giải (dpi/dots per ich) càng cao thì các chấm phát nhiệt đó càng mảnh và dày đặc.
Phần lớn các vấn đề sửa chữa bảo hành máy in mã vạch đều có liên quan đến việc sử dụng và bảo dưỡng đầu in mã vạch không đúng cách. Giống như má phanh của chiếc ô-tô, đây là sản phẩm tiêu hao theo thời gian nên bạn cần phải lắp đặt đúng cách và bảo trì thường xuyên để tối đa thời gian sử dụng cho chiếc máy in của bạn.
Kéo dài thời gian sử dụng đầu in là điều rất quan trọng vì nó đồng nghĩa với việc bạn giảm được chi phí thay đầu in nhiệt (cơ phận đắt tiền nhất), tăng chất lượng in ấn và hiệu suất làm việc. Thông thường, môt đầu in tiêu chuẩn có thể in được 6.000m (6km) giấy. Tuy nhiên nếu đầu in không được sử dụng đúng cách và bảo dưỡng thường xuyên thì chỉ in được trên 2km giấy thì đầu in của bạn đã bị mòn hoặc bị chất bẩn tích tụ phá hỏng.
1. Vệ sinh đầu in theo định kỳ!
Hãy làm sạch đầu in thường xuyên theo chỉ dẫn của nhà sản xuất. Một số dòng máy in cao cấp có chế độ nhắc nhở vệ sinh đầu in. Nếu máy in của bạn không có tính năng này thì tốt nhất là bạn nên làm sạch đầu in mã vạch sau 3 lần thay cuộn ruy băng mực. ĐỪNG BAO GIỜ sử dụng kim loại hay vật cứng gây xước để gỡ vết keo hay cạy chất bẩn tích tụ trên đầu in nhiệt. Hãy dùng các công cụ vệ sinh được nhà sản xuất khuyên dùng (bút/chổi chuyên dụng, vải bông, bông gòn thấm cồn) để tránh làm xước hay gây bẩn bề mặt đầu in.
Khi lau đầu in bạn hãy luôn giở chỗ bông sạch để lau, tránh động tác đưa qua miết lại ở chỗ bông đã lau đã bị bẩn vì sạn bụi có thể làm xước bề mặt đầu in. Hãy guộn cục bông gòn to kha khá để khi lau nếu có chệch tay ra ngoài thì móng tay của bạn không chọc vào gây tổn hại cho đầu in.
2. Làm sạch trục lăn thường xuyên
Bụi giấy và bụi bẩn bám trên giấy in về lâu dài có thể bám vào và tích tụ lên đầu in và trục lăn (roller, trục quay, "trục áp lực"). Mỗi lần vệ sinh đầu in, bạn đừng quên làm sạch toàn bộ con lăn bằng cách lau bằng vải bông mềm hoặc bông gòn có thấm cồn y tế. Nếu trục lăn bị kẹt giấy, hãy dùng tay xoay trục lăn và gỡ giấy ra từ từ. Tránh dùng những vật cứng sắc nhọn để gỡ giấy để khỏi làm hỏng con lăn cao su.
3. Sử dụng mực & giấy in đảm bảo chất lượng, quy cách
Hãy sử dụng loại decal in mã vạch được khuyến cáo sử dụng cho chiếc máy in của bạn. Điều này không chỉ giúp bạn in ra được tem nhãn có chất lượng tốt mà còn giúp đầu in của máy được chạy ở mức thiết lập nhiệt lượng tiêu chuẩn và như vậy đầu in sẽ được bền hơn. Ngoài ra, giấy in kém chất lượng có nhiều bụi giấy và chất cặn có thể làm xước hoặc mài mòn lớp phủ bảo vệ các chấm phát nhiệt trên đầu in. Khi lớp bảo vệ bị tổn thương, các điểm phát nhiệt của đầu in sẽ nhanh chóng bị hỏng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng in ấn.
Tuyệt đối không để các vật cứng (sạn, ghim bấm kim loại...) bám hay dính vô cuộn mực hay giấy in. Những vật cứng này khi chạy qua đầu in sẽ gây xước hoặc làm mẻ chiếc đầu in nhiệt của bạn.
Lưu ý rằng, nếu bạn sử dụng công nghệ in nhiệt trực tiếp, đầu in của máy sẽ tiếp xúc trực tiếp lên giấy decal cảm nhiệt gây ma sát và làm đầu in bị mòn nhanh hơn so với phương pháp in chuyển nhiệt nơi có dải film mực láng mịn ngăn đầu in tiếp xúc trực tiếp với bề mặt giấy in. Bạn cũng nên sử dụng cuộn mực in mã vạch có khổ rộng lớn hơn cuộn giấy để đầu in khỏi ma sát thường xuyên với bề mặt giấy in.
4. Điều chỉnh áp lực và nhiệt độ đầu in ở mức vừa đủ
Nếu máy in của bạn có chức năng điều chỉnh các thiết lập (settings), hãy làm theo chỉ dẫn và thiết lập trục áp lực (trục cao su) và nhiệt độ đầu in ở mức khuyến cáo (recommended) của nhà sản xuất. Đừng tự động thiết lập ở mức tối đa vì nhiệt độ cao cùng với lực ma sát lớn sẽ là những tác nhân khiến đầu in của bạn tổn thọ nhanh hơn mức bình thường.
5. Tốc độ in hợp lý
Nếu công việc không đòi hỏi bạn phải chạy tốc độ in ở mức cao nhất, hãy điều chỉnh giảm tốc độ in về mức vừa phải nhưng lưu ý cũng phải phù hợp với tốc độ khuyến cáo cho loại giấy in (vật liệu in) bạn đang dùng.
6. Đậy lắp máy in khi không sử dụng
Bạn cũng có thể bảo vệ đầu in và các cơ phận máy in khác khỏi bám bụi bằng cách đóng lắp máy in lại khi không sử dụng. Cẩn thận hơn, bạn cũng có thể phủ khăn hoặc giấy nylon lên để ngăn bụi bẩn bay vào bám vô các bộ phận trong máy. Tuyệt đối không để các vật dụng cứng khác bên trong máy vì khi máy vận hành sẽ cuốn các vật đó vào trục và làm hư các cơ phận bên trong máy.
7. Không nên chạm bề mặt đầu in bằng tay hay các vật dụng cứng
Bề mặt đầu in là thứ vô cùng nhạy cảm và rất dễ bị bám bẩn. Đừng cầm hay chạm trực tiếp vào đầu in nhiệt trong máy. Khi vệ sinh nó, hãy làm theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, tránh các vật dụng và hành vi có thể làm xước bề mặt của đầu in. Bạn cũng nên TẮT NGUỒN hoặc sử dụng dây tiếp địa để tránh bị sốc (điện giật) bởi điện năng tích tụ trong đầu in. Để chắc chắn, bạn NGẮT DÒNG ĐIỆN trước khi vệ sinh để TRÁNH BỊ ĐIỆN GIẬT.
Bằng cách làm theo các chỉ dẫn bên trên, bạn sẽ đạt được tỷ lệ hoàn trái (ROI) cao từ chiếc máy in tem nhãn của mình. Ngoài ra, hãy luôn để ý tới chất lượng in ấn để sớm phát hiện các vấn đề tiềm tàng và kịp thời đưa ra những khắc phục thích đáng.
Yêu cầu tư vấn
Bài viết liên quan
Hệ thống POS, In chuyển nhiệt, In nhiệt trực tiếp, Máy in hóa đơn nhiệt, Máy in mã vạch, Mực in mã vạch, Tem nhãn mã vạch