Mực in mã vạch: mực bám mặt ngoài (FO) hay mặt trong (FI)?
Máy in mã vạch của bạn cần loại ruy băng mực in loại nào? Mực bám mặt ngoài (FO/Face Out) hay mực phủ mặt trong (FI/Face In)?
Mực in mã vạch (cuộn ruy băng mực in mã vạch, cuộn mực ribbon in tem nhãn) có hai kiểu cấy mực, mực bám mặt trong (FI-Face In) và mực phủ mặt ngoài (FO-Face Out). Thông thường trên tem dán 2 đầu cuộn mực có thể hiện thông tin này, chẳng hạn như "Face Out/In" hay "Outside/Inside"... Tuy nhiên, nếu không có thông tin này, bạn vẫn có thể tự nhận biết bằng cách gỡ film mực ra và quan sát thấy mặt sáng bóng là mặt không cấy mực và mặt bám mực thường nhám mờ hơn.
Mặt phủ mực chính là mặt bạn sẽ áp lên mặt phải của cuộn giấy in mã vạch, do đó khi luồn trục qua cuộn mực, bạn cần phải đảm bảo mặt bám mực của cuộn ribbon sẽ đối diện với các tem nhãn của cuộn giấy in. Tùy theo loại máy in mã vạch bạn đang có mà bạn mua loại "mực in mặt trong" hay "mực in mặt ngoài". Sự khác biệt duy nhất giữa cuộn mực phủ mặt trong và mực bám mặt ngoài là hướng cuốn của cuộn film mực.
MỰC PHỦ MẶT TRONG (FI, INSIDE)
Một số nhãn hiệu máy in mã vạch đòi hỏi phải lắp cuộn mực in mặt trong như Sato, Datamax... Khi lắp mực in phủ mặt trong cho máy in, bạn hãy làm theo mô tả như trong hình ảnh bên dưới. Do mực in được bám vào mặt trong cuộn ribbon cho nên bạn cần phải lựa sao so mặt cấy mực áp lên mặt các tem nhãn (cuộn mực được gỡ từ phía trên). Nếu bạn lắp ngược, mặt bám mực sẽ đối diện với đầu in thay vì nhãn in, và việc in ấn chắc chắn sẽ không thành công.
MỰC BÁM MẶT NGOÀI (FO, OUTSIDE)
Đa số các máy in mã vạch được thiết kế để sử dụng cuộn film mực bám mặt ngoài (FO-Face Out), ví dụ như các máy in thương hiệu GoDEX, Bixolon, TSC, Honeywell, Zebra và một vài dòng máy in của Datamax. Khi lắp cuộn mực ribbon cho máy in mặt ngoài, bạn hãy làm theo chỉ dẫn trong hình phía dưới. Bởi mực in được cấy vào mặt ngoài cuộn film mực, nên bạn cần phải lựa sao so mặt bám mực áp lên mặt các tem nhãn (cuộn mực được gỡ từ dưới lên). Khi máy in vận hành, bạn phải chắc chắn mặt trái cuộn mực áp vào đầu in, mặt phải phủ mực đối diện với tem nhãn nằm trên cuộn giấy.
Mực in mã vạch mặt trong hay ngoài đều có 3 loại chất liệu mực in là mực sáp (wax), mực nhựa (resin), mực sáp-nhựa (wax-resin). Tùy vào mục đích của công việc mà bạn chọn cho mình loại mực in mã vạch phù hợp để tránh lãng phí nhưng vấn đảm bảo chất lượng.
Bạn nên lưu ý rằng mực in mã vạch chỉ được sử dụng cho máy in chuyển nhiệt gián tiếp, còn máy in mã vạch nhiệt trực tiếp in với tem nhãn giấy cảm nhiệt, mà không cần cuộn ruy băng mực. Tùy vào đặc thù của ngành nghề hoạt động mà bạn nên chọn mua máy in công nghệ in chuyển nhiệt hay in nhiệt trực tiếp.